Phục hồi ấn tượng sau đại dịch, thị trường F&B Việt Nam được đà tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2023, hứa hẹn nhiều biến số thú vị khi các “ông lớn” đang tranh thủ thời cuộc để chiếm lĩnh thị phần.
Dự kiến tăng trưởng 18%
Dù kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều sức ép, song doanh thu ngành F&B tại Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng cao gần 610 nghìn tỷ, dự báo tăng trưởng 18% trong năm 2023 và đạt giá trị gần 1 triệu tỷ đồng vào năm 2026 (Theo báo cáo Thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam năm 2022 của iPOS.vn). Báo cáo cũng đã chỉ ra rằng Việt Nam có khoảng 338.600 nhà hàng vào năm 2022, tăng 39% so với năm 2021.
Thị trường F&B dự báo đạt xấp xỉ 1 triệu tỷ đồng năm 2026
2023 hứa hẹn là một năm với nhiều chuyển biến thú vị trên thị trường F&B. Trong khi các chủ đầu tư đơn lẻ đang có xu hướng dè chừng và phòng thủ, những ông lớn như Highlands Coffee, The Coffee House, Golden Gate vẫn trong hành trình mở rộng chuỗi. Song song với đó là cạnh tranh ngày một quyết liệt từ các thương hiệu mới đang tạo nên tiếng vang như Phê La, Katinat…
Nhìn chung, bất chấp nhiều khó khăn khiến người dân thắt chặt hầu bao, thị trường F&B Việt vẫn đang một màu khởi sắc.
82,8% doanh nghiệp bắt đầu hành trình chuyển đổi số
Chuyển đổi số dường như là một xu thế tất yếu, nhất là trong ngành F&B. Đại dịch Covid 19 cũng đã tô đậm sự cấp thiết của chuyển đổi số để doanh nghiệp tồn tại. Tận dụng tốt xu hướng này giúp các doanh nghiệp F&B giữ khách hàng ở lại lâu hơn, có thêm lợi thế cạnh tranh, từ đó tạo tiền đề để tăng trưởng gấp bội.
Theo một thống kê vào năm 2022, có 82,8% doanh nghiệp F&B đã tiến hành chuyển đổi số, trong đó đa số đều sử dụng phần mềm bán hàng. Xa hơn, đối với các đơn vị có đầu tư hơn, họ sẽ làm quen dần và ứng dụng các phần mềm khác như: quản trị tồn kho, quản trị khách hàng, kế toán…
“Chuyển đổi số đã tạo cơ hội cho đơn vị kinh doanh nhìn lại cách phát triển, mô hình và định hướng kinh doanh của mình. Không dừng lại ở phần mềm quản lý bán hàng đơn thuần, hiện nay rất nhiều thương hiệu nghiêm túc đánh giá vai trò của công nghệ trong nhiều nghiệp vụ quan trọng khác như chăm sóc khách hàng, quản trị nhân sự… nhờ vậy khoác lên một chiếc áo mới cho lĩnh vực F&B”, ông Đỗ Hữu Hưng (CEO ACCESSTRADE Việt Nam) nhận định.
Người Việt yêu thích voucher
Thống kê dựa trên 3,940 số người tham gia khảo sát về hành vi mua hàng đối với ngành F&B cho thấy hai hình thức khuyến mãi ưa thích nhất của khách hàng là giảm x% và mua x tặng y với tỷ lệ lần lượt là 70.1% và 52.3%. Theo sau là hình thức đồng giá với mức tỷ lệ là 37.1%. Hình thức giảm x% ngày đặc biệt và tặng …VND cho hóa đơn từ …VND được khách hàng ưa thích ngang nhau với tỉ lệ lần lượt là 28.9% và 28.0%.
Voucher vẫn luôn là hình thức khuyến mãi được khách hàng ưa thích và là một trong những phương thức marketing “ăn tiền” của doanh nghiệp. Nhiều đơn vị cung cấp giải pháp cho doanh nghiệp F&B thậm chí đã xây dựng ra những giải pháp mới để tận dụng hiệu quả thị hiếu voucher của người dùng. Cost Per Promotion (CPP) của ACCESSTRADE – một trong những nền tảng tiếp thị liên kết quy mô nhất Việt Nam là điển hình.
Hành trình khách hàng trong một chiến dịch CPP
CPP là giải pháp tiếp thị số dựa trên số lượt sử dụng voucher hoặc bất kỳ một hình thức khuyến mãi phù hợp cho ngành F&B và các ngành hàng bán lẻ. Xét trên khía cạnh Affiliate, hình thức này có lợi cho cả 3 phía: người tiêu dùng được mua sản phẩm với giá tốt hơn; doanh nghiệp tăng trưởng doanh thu và độ phủ; Publisher/KOL/KOC chạy các chiến dịch này có thêm hoa hồng.
Ngoài việc mang lại lượng khách hàng lớn, áp dụng mô hình CPP cũng giúp doanh nghiệp F&B mang đến trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng cả online lẫn offline. Bên cạnh đó, việc xuất hiện trên hệ thống của ACCESSTRADE với 2 triệu Publisher hoạt động sôi nổi trên mọi nền tảng, giúp hình ảnh của nhãn hàng xuất hiện và lan tỏa rộng khắp.
Phương thức CPP dù còn rất mới mẻ nhưng đã chứng tỏ hiệu quả to lớn trong quảng bá thương hiệu lẫn nâng cao doanh thu, đặc biệt trong ngành hàng F&B. Với lợi thế kinh doanh theo hệ thống chuỗi cửa hàng có mặt trên khắp cả nước, một thương hiệu cafe lớn đã tăng trưởng doanh thu gấp nhiều lần so với cùng kỳ, đạt tỷ lệ chuyển đổi ấn tượng từ tiếp thị online sang sử dụng các ưu đãi tại các cửa hàng offline. Và còn nhiều nhãn hàng F&B khác cũng đạt mức tỷ lệ chuyển đổi từ 15-20% chỉ trong 30 ngày áp dụng CPP.
Trong giai đoạn 2023 – 2026, với tiềm năng phát triển đã được dự báo của ngành F&B, phương thức này hứa hẹn sẽ là cú hích giúp các nhãn hàng lớn giữ vững tính cạnh tranh, các nhãn hàng mới vươn lên mạnh mẽ.