Nếu bạn làm việc trong lĩnh vực truyền thông & Social, có lẽ bạn đã từng tự hỏi hoặc được hỏi về cách tạo ra nội dung “Viral”. Thắc mắc này hoàn toàn có cơ sở do hiện nay các doanh nghiệp, thương hiệu nhãn hàng đều xem Viral Marketing như tấm vé để trở thành ngôi sao hàng triệu người theo dõi trên mạng xã hội. Vậy viral marketing hiện nay là gì? Liệu việc chạy theo xu hướng có còn hợp lý? Hay các thương hiệu nên tập trung vào mạng xã hội như một phần của chiến lược marketing toàn diện?
Viral Marketing là gì?
Viral Marketing là chiến lược khuyến khích mọi người chia sẻ thông điệp về sản phẩm qua các mạng lưới của họ, chủ yếu trên mạng xã hội, tạo ra sự lan tỏa tự nhiên. Nó được gọi là “viral” vì thông điệp có thể lan truyền nhanh chóng và rộng rãi, giống như một loại virus, vượt ra ngoài đối tượng mục tiêu để tiếp cận công chúng. Viral marketing là cách khơi dậy các cuộc trò chuyện và tận dụng tương tác của người dùng để quảng bá sản phẩm hoặc dịch vụ, khiến thông điệp trở nên ấn tượng đến mức mọi người không thể không chia sẻ nó.
Điển hình là các chương trình gameshow trên truyền hình luôn được biên tập thành những video ngắn với nội dung hài hước, đăng lên Facebook và nhận được rất nhiều chia sẻ. Ví dụ như chương trình Shark Tank Việt Nam, bằng cách xây dựng những nội dung vui vẻ xoay quanh các Shark, chương trình nhận được sự yêu thích của người xem trên Facebook với số lượng tương tác và bình luận khá cao.
Ưu điểm:
- Tăng độ nhận diện thương hiệu: Khi bạn tăng từ 10-1,000 lượt tương tác trung bình lên 10,000,000, bạn đã chính thức biến thương hiệu của mình thành thương hiệu lớn sánh ngang với những nhãn hàng nổi tiếng khác
- Mở rộng tệp đối tượng: Sẽ có nhiều người chú ý đến thương hiệu của bạn đồng thời bạn cũng nhận được nhiều người hâm mộ và theo dõi hơn.
Ví dụ: Chiến dịch “Chuyến du lịch ngắn của chim cánh cụt” của Shedd Aquarium đã mang đến hàng nghìn người theo dõi mới chỉ trong vài ngày
- Tăng trưởng doanh thu: Với nhiều người theo dõi mới tương đương với việc sẽ mang về nhiều doanh thu tiềm năng hơn
XEM THÊM: 8 bước xây dựng độ nhận diện thương hiệu dành cho các doanh nghiệp
Nhược điểm:
- Sự tiếp nhận có thể không như bạn mong đợi: Các chiến dịch Viral được sinh ra để tạo nên sự bùng nổ nhưng đôi khi nó cũng có thể là “bom cảm tử” khi khán giả không phản ứng tích cực như kỳ vọng của bạn và phản ứng ngược là điều tệ nhất.
- Mất kiểm soát thông điệp: Một khi nội dung của bạn được đăng tải và chia sẻ, đăng lại và bình luận bởi bất kỳ ai có máy tính, di động và bạn không thể kiểm soát họ sẽ làm gì với nó.
- Không phải ai cũng là khách hàng: Người theo dõi mới và nhiều người bình luận hơn không phải lúc nào cũng là khách hàng tiềm năng của bạn để dẫn đến doanh số bán hàng tăng trưởng.
- Khối lượng tin nhắn đột biến: Khi bạn trở nên viral, không có gì lạ khi bạn nhận được hàng nghìn tin nhắn mới trong hộp thư đến mỗi ngày, thậm chí mỗi giờ. Bạn cần phải theo dõi các tin nhắn liên tục mà không bị kiệt sức vì mạng xã hội
Các chiến dịch viral marketing có điểm chung nào?
Mặc dù các chiến dịch & nội dung viral đều khác nhau nhưng có 3 yếu tố đặc biệt mà hầu hết các chiến dịch đều xuất hiện.
Sự tự nhiên
Thực tế mà nói thì bạn không thể ép buộc các chiến dịch và nội dung của mình trở nên viral khi bạn muốn được. Bạn không thể dự đoán những trào lưu hoặc các cuộc tranh luận như “phở có hành hay không hành” nhưng bạn có thể theo dõi và nắm bắt những xu hướng để tạo nội dung phù hợp và đúng thời điểm.
Sự kịp thời
Xu hướng luôn thay đổi nên dù các chiến dịch viral có thể tạo ra ấn tượng mạnh nhưng những chủ đề như vậy thường khá ngắn hạn. Chỉ vì điều gì đó đang thịnh hành không có nghĩa nó sẽ duy trì lâu dài. Đó là lý do tại sao những chiến dịch viral thành công một thời như “Harlem Shake” hay “Gangnam Style” không còn được nhắc đến
Sự táo bạo
Việc thu hút sự chú ý của công chúng đòi hỏi những hành động độc đáo, nổi bật, và thường không thể đạt được nếu bạn chỉ đi theo lối mòn an toàn. Không có chiến dịch viral nào thành công nếu không đủ táo bạo.
XEM THÊM: Đại sứ thương hiệu và cách xây dựng chiến dịch Ambassador Marketing
Hiểu rõ tệp khách hàng mục tiêu của bạn
Việc nghiên cứu sâu sắc về sở thích, giá trị và các xu hướng hành vi của nhóm đối tượng mục tiêu sẽ giúp bạn hiểu rõ họ cần gì và mong muốn ra sao. Ví dụ, nếu đối tượng của bạn là các bạn trẻ yêu thích công nghệ, việc sử dụng các yếu tố mới mẻ và tiện ích trong chiến dịch sẽ mang lại hiệu quả cao.
Ví dụ: Starbucks thường xuyên phân tích hành vi khách hàng trên ứng dụng của mình để tối ưu hóa các ưu đãi cá nhân hoá, từ đó tăng tỷ lệ tương tác và lan truyền qua mạng xã hội.
Thêm nữa khi sử dụng các công cụ phân tích đo lường như Google Analytics có thể giúp theo dõi hành vi người dùng trên website, trong khi SurveyMonkey là công cụ tốt để khảo sát và thu thập ý kiến từ khách hàng tiềm năng. Mạng xã hội cũng là một kho dữ liệu phong phú, nơi bạn có thể phân tích các tương tác và thói quen của khách hàng.
Ví dụ: Netflix sử dụng dữ liệu phân tích từ nền tảng của họ để gợi ý các nội dung phù hợp với sở thích từng người dùng, từ đó tăng khả năng chia sẻ và tương tác.
Hình ảnh mạnh mẽ để lan truyền thông điệp
Một hình ảnh mạnh mẽ cần có tính khác biệt, ấn tượng ngay từ cái nhìn đầu tiên. Hình ảnh phải kích thích cảm xúc của người xem và tích hợp thông điệp thương hiệu một cách tinh tế.
Ví dụ: Hình ảnh đơn giản nhưng ấn tượng của chiến dịch “Share a Coke” với những chai nước in tên riêng đã tạo nên một làn sóng chia sẻ khổng lồ trên mạng xã hội, giúp tăng cường nhận diện thương hiệu của Coca-Cola.
Sự sáng tạo là “vua”
Kết hợp các yếu tố không tưởng hoặc sử dụng sự hài hước bất ngờ là cách hiệu quả để tạo ấn tượng mạnh.
Ví dụ: Chiến dịch “Ice Bucket Challenge” không chỉ là một hoạt động từ thiện, mà còn kết hợp yếu tố viral marketing khi người tham gia thách thức bạn bè mình, khiến chiến dịch lan rộng khắp toàn cầu. Một ví dụ khác là quảng cáo của Dollar Shave Club với nội dung hài hước, khác biệt và đầy sáng tạo, giúp thương hiệu này tạo nên tiếng vang lớn với chi phí thấp.
Sự thiết yếu của việc kết nối cảm xúc
Nếu sự lan truyền được thực hiện bởi những phản ứng cảm xúc: tức giận, cười hoặc khoác thì được gọi là “emotional viral” – Cảm xúc lan truyền. Điều tuyệt vời nhất của cảm xúc lan truyền chính là bạn không thể cưỡng lại những cảm xúc mà thông điệp mang đến và bạn buộc phải chia sẻ điều đó mọi người cùng biết. Với góc nhìn mới lạ, nội dung sáng tạo, hấp dẫn với những sản phẩm mà người dùng luôn cho rằng nhạy cảm, Durex luôn khiến mọi người bật cười và muốn chia sẻ về tường ngay với những chiến dịch Viral marketing của họ.
Tối ưu hóa tính năng chia sẻ
Sử dụng các nút chia sẻ dễ thao tác, tối ưu nội dung cho mobile và tích hợp hashtag là cách để tăng khả năng nội dung được lan truyền.
Ví dụ: Instagram luôn thiết kế nền tảng với các nút chia sẻ dễ dàng, giúp người dùng chỉ cần một cú chạm để chia sẻ hình ảnh hay video với bạn bè, từ đó nội dung dễ dàng trở nên viral hơn.
Lựa chọn thời điểm phù hợp
Nghiên cứu kỹ lưỡng về giờ hoạt động của đối tượng mục tiêu và liên kết với các sự kiện, xu hướng đang thịnh hành sẽ giúp nội dung của bạn tiếp cận đúng người vào đúng lúc.
Ví dụ: Oreo đã tạo ra một chiến dịch Viral marketing thành công với câu tweet “You Can Still Dunk in the Dark” trong Super Bowl, khi sự cố mất điện xảy ra. Đây là ví dụ điển hình về việc nắm bắt thời điểm nhanh chóng để lan truyền nội dung một cách hiệu quả.
Những chiến dịch Viral Marketing nổi tiếng
- “Đi để trở về” của Biti’s
Biti’s đã tạo nên cú hit với chiến dịch Viral marketing “Đi Để Trở Về” kết hợp MV ca nhạc đầy cảm xúc cùng thông điệp ý nghĩa về tình yêu gia đình và quê hương. Chiến dịch đã chạm đến trái tim của hàng triệu người Việt, đặc biệt là những người con xa xứ, tạo nên sự lan tỏa mạnh mẽ trên mạng xã hội và khẳng định sự trở lại ngoạn mục của thương hiệu Biti’s.
XEM THÊM: Cách xây dựng chiến lược Influencer Marketing phù hợp với các doanh nghiệp
- “Hãy nói theo cách của bạn” của Viettel
Viettel đã tạo nên sự khác biệt với chiến dịch quảng cáo “Hãy nói theo cách của bạn”, khuyến khích giới trẻ thể hiện cá tính riêng của mình. Trong chiến dịch Viral marketing này, thay vì sử dụng những hình ảnh quảng cáo truyền thống, Viettel sử dụng ngôn ngữ “Gen Z” với những câu nói viral trên mạng xã hội, tạo sự gần gũi và thu hút giới trẻ.
- “Chuyện Tết này” của Neptune
Hàng năm, Neptune đều ra mắt những phim ngắn xúc động về chủ đề Tết trong chiến dịch Viral marketing của họ. “Chuyện Tết này” là một ví dụ điển hình, với những câu chuyện gần gũi, chân thực về tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa, tình bạn… Chiến dịch này thường xuyên tạo được hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ, lấy đi nước mắt của hàng triệu người xem và góp phần khẳng định vị thế của Neptune là “thương hiệu quốc dân” gắn liền với ngày Tết cổ truyền
- “GrabFood – Làm gì làm, đừng bỏ bữa”
GrabFood đã thực hiện nhiều chiến dịch quảng cáo Viral marketing để thu hút người dùng, trong đó nổi bật là chiến dịch “Làm gì làm, đừng bỏ bữa” giống như một lời dặn dò của người thân có nhắc nhở nhưng đầy yêu thương. Nỗ lực của GrabFood là việc làm thế nào ai cũng có thể có được những bữa ăn đúng nghĩa vào đúng lúc, không ai phải “bỏ bữa”. Điều này thật sự chạm vào đúng sự đồng cảm của người xem và gia tăng Brand love cho chính Grabfood khi chính bản thân mỗi người những lời động viên đúng bữa và cao trào là chính người mẹ của các shipper dặn dò con mình: “Làm gì làm, đừng bỏ bữa!”. Bản thân các shipper đang làm công việc để mọi người có bữa ăn ngon, đúng giờ, tuy nhiên họ lại chính là những người vô tình quên mất chính bản thân cũng cần có bữa ăn đảm bảo.
- “Vì em xứng đáng” cho dự án nhà ở V3 Prime
Chẳng biết bạn có còn nhớ video “Vì em xứng đáng” quảng cáo cho dự án nhà ở V3 Prime được lên sóng vào cuối năm 2016 hay không? Nội dung chính xoay quanh cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ. Người chồng vì thương vợ đang có thai mà phải ở trong ngôi nhà cũ đã cố gắng làm việc thật nhiều, rồi sau đó bí mật dùng số tiền 2 người tiết kiệm để mua một căn hộ làm quà bất ngờ tặng vợ. Chỉ sau 4 tiếng đăng tải, video đã nhận về một con số “phá đảo” quảng cáo ngành bất động sản:
- 4 triệu lượt xem
- Khoảng 75.000 lượt chia sẻ trong bài viết đầu tiên trên facebook
- Kênh Youtube của Hải Phát Land đạt dần 250.000 lượt xem
- Từ khóa “Vì em xứng đáng” được Google suggest chỉ sau vài giờ.
Điều bất ngờ hơn là server website của chủ đầu tư Hải Phát Land đã…sập vì lượng traffic đổ về quá lớn.
Kết luận
Để tạo nên một chiến dịch Viral Marketing thành công, điều tiên quyết cần phải nhớ chính là nội dung độc đáo, thú vị và có sự liên quan nhất thiết với đối tượng bạn muốn hướng đến. Khi triển khai một chiến dịch, hãy có gắng duy trì nó cho đến khi được nhiều người nhận biết, hoặc cụ thể bạn đã đạt được mục tiêu là mở rộng tệp khách hàng mới. Việc khéo léo kết hợp giữa insight khách hàng và nội tại doanh nghiệp sẽ mang đến cho bạn những chiến dịch viral tốt nhất.