Trong bối cảnh kinh tế đầy biến động, việc nắm vững khái niệm tài chính doanh nghiệp không chỉ là một lợi thế, mà còn là yếu tố sống còn cho sự phát triển bền vững. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho các bạn một cái nhìn sâu sắc về vai trò của tài chính doanh nghiệp, cùng những kiến thức và công cụ cần thiết để quản lý tài chính hiệu quả.
Khái niệm tài chính doanh nghiệp là gì?
Hiện nay chưa có bất cứ văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về tài chính doanh nghiệp là gì? Tuy nhiên có thể hiểu tài chính doanh nghiệp là một hệ thống các quan hệ kinh tế dưới hình thái giá trị phát sinh trong quá trình doanh nghiệp. Bao gồm tạo lập, phân phối nguồn tài chính và tiền tệ. Quá trình chuyển đổi nguồn vốn này hướng tới phục vụ mục đích sản xuất để đạt được mục tiêu phát triển chung của doanh nghiệp.
Về bản chất, tài chính doanh nghiệp sẽ liên quan tới hệ thống quản lý tài chính doanh nghiệp. Bắt đầu từ khâu huy động vốn tới quá trình sử dụng vốn vào quy trình sản xuất, kinh doanh.
Nên tài chính doanh nghiệp sẽ có một số điểm đặc trưng cơ bản như:
- Tài chính doanh nghiệp sẽ liên quan trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
- Tài chính doanh nghiệp bị chi phối bởi tính chất sở hữu vốn của mỗi doanh nghiệp
- Tài chính doanh nghiệp bị chi phối bởi mục tiêu lợi nhuận, mọi kế hoạch sử dụng tài chính đều thực hiện mục đích cuối cùng là thu lại lợi nhuận cho doanh nghiệp.
- Tài chính doanh nghiệp cần đảm bảo nguyên tắc tôn trọng pháp luật trong tất cả các khâu sản xuất, kinh doanh, vận hành.
Vai trò và nghĩa vụ của tài chính doanh nghiệp
Vai trò của tài chính doanh nghiệp là vai trò “chủ chốt”. Đây chính là công cụ để quản lý tài chính doanh nghiệp, quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh của chính doanh nghiệp đó. Cụ thể:
- Tăng hiệu ổn định vốn huy động: khi bạn hiểu rõ khái niệm tài chính doanh nghiệp bạn sẽ thấy rằng tài chính doanh nghiệp sẽ đảm bảo việc huy động vốn được diễn ra đều đặn, liên tục, không bị đứt gãy.
- Nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp: nguồn vốn định, hoạt động kinh doanh tiến triển bền vững, giảm các khoản lãi vay, thúc đẩy tăng doanh thu, tăng lợi nhuận sau thuế.
- Kiểm soát tốt hoạt động sản xuất kinh doanh: dưới sức mạnh của “đòn bẩy” tài chính, hoạt động kinh doanh luôn diễn ra thuận lợi, ổn định thu – chi, tăng cường thu hút vốn – tăng quy mô sản xuất. Dựa vào các loại báo cáo tài chính của doanh nghiệp định kỳ sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng kiểm soát các hoạt động đang thực hiện có hiệu quả hay không, từ đó có sự điều chỉnh kịp thời.
Các hoạt động cơ bản trong tài chính doanh nghiệp
Trong các doanh nghiệp, tài chính doanh nghiệp sẽ được ứng dụng trong các hoạt động cơ bản gồm:
Huy động nguồn vốn
Ngay trong khái niệm tài chính doanh nghiệp chúng ta cũng thấy được huy động vốn là hoạt động tài chính quan trọng mà mọi doanh nghiệp cần phải đảm bảo. Ngoài các phương pháp điều tiết vốn truyền thống như vay ngân hàng, phát hành cổ phiếu thông qua thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu,…Các doanh nghiệp có thể tối ưu hóa quản lý lưu chuyển tiền nội bộ.
Điều tiết sử dụng vốn
Sau khi huy động vốn, nguồn tài chính doanh nghiệp sẽ được phân bổ sử dụng hợp lý bằng việc đầu tư vào tài sản cố định (mua máy móc, thiết bị, cơ sở hạ tầng) để tạo ra năng lực sản xuất cho hoạt động kinh doanh. Đồng thời, vốn cũng được sẽ được sử dụng hướng vào mục tiêu mở rộng kinh doanh. Bao gồm gia nhập thị trường mới, tăng mạng lưới phân phối, phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới.
Một mục đích quan trọng khác của sử dụng vốn chính là thanh toán nợ và tái cơ cấu. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp giảm bớt áp lực gánh nặng tài chính, để từ đó tái cơ cấu, giảm rủi ro và chi phí tài chính.
Quản lý vốn
Quản lý vốn chính là hoạt động phân loại vốn theo đúng các mục tiêu cụ thể như đầu tư vào tài sản cố định, quản lý lưu chuyển tiền hoặc thanh toán các nghĩa vụ tài chính.
Để làm được điều này tốt nhất thì các doanh nghiệp phải có chiến lược tài chính chi tiết dựa trên phân tích, đánh giá các biến động thị trường, bám sát các chiến lược của doanh nghiệp.
Hỗ trợ doanh nghiệp đưa ra quyết định đầu tư tài chính
Dựa trên tài chính doanh nghiệp, các doanh nghiệp sẽ đưa ra được những quyết định đầu tư tài chính hợp lý. Bắt đầu từ chính đánh giá kỹ lưỡng về rủi ro, xác định nguồn vốn phù hợp từ vốn tự có, vốn vay hoặc các hợp đồng đầu tư từ đối tác.
Đánh giá, phân tích rủi ro tài chính doanh nghiệp
Quản lý rủi ro tài chính hiệu quả cần đánh giá, kiểm soát và giảm thiểu các yếu tố rủi ro mà doanh nghiệp có thể phải đối mặt. Rủi ro tài chính thường bao gồm: thị trường, lãi suất, tỷ giá hối đoái, tình hình tín dụng, các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến hiệu suất tài chính và khả năng hoạt động của chính doanh nghiệp.
Xây dựng báo cáo tài chính
Xây dựng các loại báo cáo tài chính của doanh nghiệp là hoạt động không thể thiếu để có được nền tài chính doanh nghiệp bền vững. Báo cáo tài chính là quá trình thu thập, phân loại và tổng hợp tất cả các thông tin liên quan đến tình hình tài chính của doanh nghiệp trong khoản thời gian nhất định.
Quá trình thành lập báo cáo tài chính sẽ bao gồm việc tạo ra 3 báo cáo chính gồm:
- Bảng cân đối kế toán: thể hiện tình hình tài chính chính xác của doanh nghiệp ở một thời điểm cụ thể (bao gồm thông tin về tài sản, nợ và vốn chủ sở hữu)
- Báo cáo lưu chuyển tiền tệ: tập trung mô tả các luồng tiền mặt từ hoạt động kinh doanh, đầu tư và tài chính
- Báo cáo lợi nhuận/thua lỗ: tổng hợp chi tiết về hiệu suất tài chính, bao gồm doanh thu, chi phí và lợi nhuận hoặc lỗ lãi ròng trong khoảng thời gian nhất định.
Báo cáo tài chính không chỉ giúp doanh nghiệp đảm bảo yếu tố pháp lý cho các cổ đông, nhà đầu tư. Mà dựa trên báo cáo tài chính doanh nghiệp cũng đưa ra được các chiến lược kinh doanh đầu tư và quản lý tài chính một cách hiệu quả.
Những chỉ số quan trọng trong tài chính doanh nghiệp
Trong các báo cáo tài chính của doanh nghiệp muốn đánh giá doanh nghiệp tăng trưởng thực sự hay không sẽ dựa vào các chỉ số quan trọng trong tài chính doanh nghiệp như sau:
Tỷ suất lợi nhuận
Ngay trong khái niệm tài chính doanh nghiệp cũng cho thấy tỷ lệ lợi nhuận chính là phần được quan tâm tới nhất. Chỉ số này sẽ giúp doanh nghiệp hiểu rõ về mức độ lợi nhuận và khả năng sinh lời từ hoạt động kinh doanh, tiếp đó đưa ra quyết định điều chỉnh chiến lược kinh doanh chính xác nhất.
Tỷ suất lợi nhuận sẽ bao gồm: tỷ suất lợi nhuận gộp, tỷ suất lợi nhuận ròng và tỷ suất lợi nhuận trên vốn sở hữu.
Chỉ số thanh khoản
Chỉ số thanh khoản của doanh nghiệp là nhóm chỉ số tài chính được sử dụng để đánh giá khả năng của doanh nghiệp có thể thanh toán các nghĩa vụ tài chính hay không. Nhóm chỉ số này sẽ bao gồm tỷ lệ thanh toán ngắn hạn, tỷ lệ thanh toán nhanh và tỷ lệ tiền mặt. Tỷ lệ thanh toán ngắn hạn bằng tỷ lệ của tài sản ngắn hạn trên nợ ngắn hạn
Nếu chỉ số này lớn hơn 1 đồng nghĩa với doanh nghiệp có khả năng thanh toán nghĩa vụ ngắn hạn của mình
Tỷ lệ thanh toán nhanh = (Tài sản ngắn hạn – Hàng tồn kho)/Nợ ngắn hạn
Nếu chỉ số này cao đồng nghĩa với doanh nghiệp có thể thanh toán tức thời các khoản nợ ngắn hạn. Nếu giá trị này thấp có nghĩa là doanh nghiệp khó có thể thanh toán nhanh các khoản nợ ngắn hạn. Tỷ lệ tiền mặt bằng vốn bằng tiền trên khoản nợ phải trả ngắn hạn
Nếu chỉ số này lớn hơn 1 – doanh nghiệp có khả năng thanh toán nghĩa vụ ngắn hạn của mình chỉ bằng tiền mặt.
Chỉ số vòng quay hàng tồn kho
Trong khái niệm tài chính doanh nghiệp, chỉ số vòng quay hàng tồn kho sẽ đo lường hiệu suất kinh doanh và không gian lưu trữ không bị lãng phí hàng hóa. Chỉ số vòng quay hàng tồn kho bằng giá vốn hàng bán trên bình quân giá trị hàng tồn kho
Chỉ số vòng quay khoản phải thu
Trong tài chính doanh nghiệp, chỉ số vòng quay khoản phải thu là chỉ số đánh giá khả năng quản lý và thu hồi các khoản phải thu của doanh nghiệp.
Chỉ số khoản quay vòng phải thu = Tổng doanh thu/Trung bình cộng của số phải thu
Lời kết
Từ những phân tích trên có thể thấy rằng khái niệm tài chính doanh nghiệp là một trong những trụ cột quan trọng nhất, quyết định sự thành bại của bất kỳ doanh nghiệp. Để có thể phát triển được doanh nghiệp bền vững nhất hoặc tái cơ cấu doanh nghiệp phù hợp đừng bỏ qua việc xác định các tiêu chí thành lập tài chính doanh nghiệp nhé. Chúc bạn thành công.