Chuyển đổi số – 3 từ đơn giản này đã làm đau đầu không ít chủ doanh nghiệp trong nhiều năm trở lại đây, khi mà công cuộc cách mạng 4.0 ngày càng tiến nhanh như vũ bão.
Chuyển đổi số là gì?
Có khá nhiều định nghĩa về chuyển đổi số (digital transformation) đã ra đời cách đây nhiều năm. Nhưng kể từ nghị quyết 52 của Bộ Chính trị, khi mà cuôc cách mạng 4.0 được sự đồng thuận, chung tay của toàn Đảng, toàn dân và các doanh nghiệp lớn nhỏ trong nước, thì chuyển đổi số mới thực sự trở thành từ khoá được quan tâm hàng đầu. Theo khảo sát, việc thực hiện chuyển đổi số đã được gần 90% doanh nghiệp bắt tay vào triển khai vào mọi mặt từ bán hàng, giao nhận, hậu mãi… Song song với đó, các lãnh đạo doanh nghiệp từ quốc doanh đến tư nhân đều cho rằng, đây là mục tiêu sống còn của họ, yếu tố quan trọng trong chiến lược kinh doanh để giữ chân khách hàng, cũng như đem về lợi nhuận cho bản thân doanh nghiệp và phúc lợi cho người lao động hơn.
Như đã nói ở trên, chuyển đổi số có thể có nhiều định nghĩa khác nhau, tuỳ vào quan điểm của từng doanh nghiệp và ngành nghề. Nhưng tựu chung lại, chuyển đổi số là việc ứng dụng các công nghệ mới vào việc vận hành doanh nghiệp, cả đầu khách hàng, đối tác (external) và đầu nhân sự nội bộ (internal). Mục tiêu cuối cùng của chuyển đổi số là khiến cho quá trình vận hành của doanh nghiệp trơn tru hơn, hiệu quả hơn và quan trọng là ít tốn sức người hơn mà vẫn đạt được mục tiêu đề ra thậm chí là vượt xa mục tiêu đó. Chuyển đổi số ở một quốc gia phải như làn sóng, đồng đều và có tính cộng hưởng, nhờ đó, các doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ, lâu đời hay start-up đều có thể hưởng lợi từ việc tự thực hiện chuyển đổi số cho mình mà không cần phụ thuộc vào các yếu tố khách quan bên ngoài.
Chuyển đổi số có khó không?
Đây là câu hỏi khiến nhiều chủ doanh nghiệp, đặc biệt là SMEs (doanh nghiệp vừa và nhỏ) băn khoăn. Sở dĩ có điều này là vì ai cũng biết, chuyển đổi số yêu cầu doanh nghiệp cần có một nguồn lực nhất định, cả về tiền bạc, thời gian, nhân sự thực hiện và tầm nhìn của lãnh đạo. Trong khi đó, một số yếu tố đang còn là mặt hạn chế của các doanh nghiệp nhỏ, khi mà họ không có nhiều lựa chọn trong việc cân nhắc chi nguồn lực cho những thứ chưa mang lại lợi nhuận ngay lập tức.
VD: Một DN buôn bán thực phẩm, rau củ trái cây quy mô nhỏ, thì ngân sách đa phần đã chi cho vận chuyển, bảo quản, kho bãi hàng hoá, họ khó lòng chi một khoản ngân sách nhiều cho việc đầu tư phần mềm thông minh để tối ưu hoá đơn hàng, hay phần mềm trả lời khách hàng tự động (dù rất mong muốn).
Thực tế cho thấy, chuyển đổi số không hề khó. Nhiều người thường có quan niệm sai về chuyển đổi số, cho rằng mình phải đầu tư 1 khoản rất khủng, có một dàn nhân sự trình độ cực kỳ cao thì mới thực hiện được chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất không nằm ở đó, mà là ở quan điểm của cả doanh nghiệp, đứng đầu là người lãnh đạo, tạo động lực cho đến nhân viên cấp thấp nhất. Một số các ứng dụng vô cùng thiết thực mà doanh nghiệp có thể thực hiện ngay trong mảng Marketing như xây dựng Website, Fanpage, Youtube cho mình để thu hút data khách hàng rồi dùng chính data đó để bán, giúp tiết kiệm hàng trăm triệu đồng quảng cáo. Hay với mảng nhân sự, việc chấm công dựa trên phần mềm quản lý vừa giúp tiết kiệm thời gian tổng hợp dữ liệu, vừa công bằng cho tất cả mọi người với một chi phí đầu tư không quá nhiều.
Về mặt nhân sự, nhiều doanh nghiệp chọn giải pháp tuyển dụng nhân sự các phòng ban có ít nhiều kiến thức về Digital với trình độ từ Junior hoặc Middle, sau đó khuyến khích nhân sự học hỏi thêm để nâng cấp bản thân bằng phần thưởng. Từ đó, nhân sự cảm thấy có động lực áp dụng chuyển đổi số vào công việc của mình.
Một khi doanh nghiệp có “tư duy số” và có sự đồng lòng từ trên xuống dưới, chuyển đổi số sẽ được thực hiện nhanh chóng, hiệu quả.
Cách chuyển đổi số phù hợp với Start-up Việt Nam hiện tại
Cuối năm 2019, khi toàn thế giới chưa kịp hân hoan vì một năm kinh doanh thành công khá rực rỡ, thì nCovid ập tới xoá tan mọi dự định và kế hoạch của các doanh nghiệp từ lớn tới nhỏ. Khi đó, tất cả mọi thứ đều chỉ hướng tới một chủ đề duy nhất là nCovid trong khi rất nhiều hoạt động kinh doanh bị đình trệ.
Nhưng trong việc tưởng chừng như “xui rủi” đó, đã có khá nhiều doanh nghiệp SMEs/ Start-up Việt Nam chứng minh được họ biết cách tận dụng mọi cơ hội tốt như thế nào. nCovid khiến cho hành vi tiêu dùng của khách hàng chuyển sang online đến 70-80% trong vòng chỉ vài ba tháng. Đây là điều mà trước khi Covid đến, khó ai có thể làm được với thời gian ngắn như vậy. Chị Nguyễn Thị Hoài Thu, giám đốc công ty Z, chuyên về mảng thực phẩm tươi sống giao nhận tận nơi cho biết doanh thu những tháng gần của công ty đã tăng gấp 3 so với bình thường vì nhu cầu khách hàng cần mua thực phẩm giao đến nhà là rất lớn. Hiện tại, công ty Z đang thực hiện việc ứng dụng hệ thống kênh đặt hàng khép kín, từ Fanpage, đến Website, Điện thoại… đều đổ về một CRM (hệ thống quản lý chăm sóc khách hàng) và bắn tự động sang bộ phận kho và giao nhận. Nhờ đó, cho dù chỉ với chưa đến 20 nhân sự chính thức, công ty chị vẫn thực hiện được cả nghìn đơn hàng mỗi ngày khắp quận huyện TPHCM và các tỉnh lân cận.
Hay với sàn TMĐT Y, nhu cầu mua online cũng tăng lên đáng kể. Và thay vì thực hiện chiến lược Online Marketing qua quảng cáo FB như trước đây, sàn Y sử dụng Affiliate Marketing qua network để tận dụng sức mạnh của đội ngũ Publisher với quy tắc chi trả hoa hồng chỉ khi đơn hàng thực hiện thành công. Điều này giúp Y tiết kiệm được ngân sách quảng cáo cực lớn đi kèm với doanh thu đạt từ 2-2.5 lần so với bình thường.
Có 3 mấu chốt giúp doanh nghiệp SMEs/ Start-up chuyển đổi số tốt trong thời điểm này, đó là:
- – Tận dụng các công cụ đem về giá trị thực cho đơn hàng, tránh việc lan man nhiều công cụ không sử dụng hết.
- – Thực hiện quán triệt về tư tưởng chuyển đổi số cho nhân sự, tạo động lực và sự đồng lòng
- – Xây dựng hệ thống và quy trình nhất quán, tránh việc chuyển đổi số “1 mảng” và các mảng còn lại thì không, dẫn đến tốn ngân sách vô ích.