Marcom là một thuật ngữ vô cùng quen thuộc đối với các marketer và đang ngày càng trở nên phổ biến và đóng vai trò quan trọng trong chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp.Tuy nhiên không phải ai cũng thật sự hiểu đúng Marcom là gì? Vì sao doanh nghiệp cần đầu tư vào Marcom và đâu là những xu hướng nổi bật trong năm 2025? Hãy cùng ACCESSTRADE giải đáp các thắc mắc trên qua bài viết dưới đây.
Marcom là gì?
Marcom là viết tắt của Marketing Communications hay còn dịch theo nghĩa tiếng việt là truyền thông tiếp thị. Đây là quá trình doanh nghiệp sử dụng các phương thức truyền thông khác nhau để tiếp cận khách hàng, xây dựng thương hiệu và thúc đẩy hành vi mua hàng. Marcom bao gồm các hoạt động như quảng cáo, PR, tiếp thị qua mạng xã hội, email marketing, tổ chức sự kiện, bán hàng trực tiếp và nhiều hình thức khác.
Một số công cụ thường được sử dụng khi triển khai các chiến dịch marcom phải kể đến bao gồm:
- Quảng cáo (Advertising): Sử dụng các kênh truyền thông trả phí như TV, radio, báo chí, digital ads để tiếp cận khách hàng. Đây là công cụ truyền thông phổ biến nhất và thường được sử dụng trong các chiến dịch tiếp thị.
- Quan hệ công chúng (Public Relations – PR): Xây dựng hình ảnh doanh nghiệp thông qua bài PR, thông cáo báo chí, quan hệ báo chí.
- Marketing trực tiếp (Direct Marketing): Tiếp cận khách hàng qua email, tin nhắn, thư tín, telesales.
- Tiếp thị qua mạng xã hội (Social Media Marketing): Quảng bá thương hiệu qua Facebook, Instagram, TikTok, LinkedIn…
- Khuyến mãi (Sales Promotion): Tạo ra các chương trình ưu đãi để thúc đẩy doanh số.
- Bán hàng cá nhân (Personal Selling): Tiếp cận khách hàng thông qua đội ngũ sales.
- Tổ chức sự kiện (Event Marketing): Tạo sự kiện offline hoặc online để thu hút khách hàng.
Tầm quan trọng của Marcom đối với doanh nghiệp
Xây dựng và tăng cường nhận diện thương hiệu
Một thương hiệu phát triển mạnh không chỉ đơn thuần là có sản phẩm tốt mà còn cần phải có độ nhận diện nhất định trong tâm trí của khách hàng. Marcom giúp doanh nghiệp xây dựng ảnh thương hiệu nhất quán thông qua các chiến dịch truyền thông đồng bộ, xuất hiện trên nhiều nền tảng từ TVC, quảng cáo online, mạng xã hội đến email marketing,…
Ví dụ: Chiến dịch “Share a Coke” của Coca-Cola không chỉ đơn thuần là một chiến dịch quảng cáo mà còn giúp thương hiệu cá nhân hóa sản phẩm, tạo ra sự kết nối với khách hàng và gia tăng đáng kể mức độ nhận diện thương hiệu trên toàn cầu.
Thúc đẩy doanh số và lợi nhuận
Marcom không chỉ giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy doanh số. Một chiến dịch marketing communications thành công có thể giúp tăng tỷ lệ chuyển đổi và thúc đẩy doanh số một cách hiệu quả
Ví dụ: Chiến dịch “Shopee 11.11 Big Sale” sử dụng quảng cáo trên nhiều nền tảng khác nhau, từ TVC, mạng xã hội, đến chương trình giảm giá giới hạn, đã giúp Shopee thu hút hàng triệu đơn hàng chỉ trong một ngày, khẳng định sức mạnh của chiến lược Marcom trong thương mại điện tử.
Cải thiện mối quan hệ với khách hàng
Marcom không chỉ là giao tiếp một chiều từ doanh nghiệp đến khách hàng mà còn là cầu nối để xây dựng mối quan hệ bền vững. Thông qua việc tạo ra những chiến dịch truyền thông và các quảng cáo tương tác, Marcom tạo điều kiện cho khách hàng có thể cùng tham gia, phản hồi và tương tác với doanh nghiệp.
Ví dụ: Apple không chỉ quảng cáo sản phẩm mà còn xây dựng một cộng đồng người dùng trung thành thông qua các diễn đàn, hội nghị dành riêng cho fan hâm mộ. Nhờ đó, Apple luôn duy trì được lượng khách hàng trung thành lớn và liên tục mở rộng thị phần.
Bên cạnh đó, việc chăm sóc khách hàng thông qua Marcom cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng để có thể duy trì mối quan hệ với khách hàng.
Tạo lợi thế cạnh tranh
Hiện nay, việc cùng 1 sản phẩm nhưng lại có đến hàng chục thậm chí hàng trăm thương hiệu cùng bán là chuyện bình thường. Vì vậy thương hiệu nào có chiến lược Marcom hiệu quả sẽ giành được ưu thế. Nếu hai sản phẩm có chất lượng tương đương, nhưng một sản phẩm được quảng bá mạnh mẽ, có câu chuyện thương hiệu rõ ràng, tương tác tốt với khách hàng thì sẽ có khả năng bán được hàng cao hơn.
Ví dụ: Nike không chỉ bán giày thể thao mà còn truyền tải thông điệp mạnh mẽ qua các chiến dịch như “Just Do It”, biến thương hiệu này thành biểu tượng của sự quyết tâm và nỗ lực. Điều này giúp Nike có lợi thế cạnh tranh vững chắc so với các đối thủ khác.
Hỗ trợ mở rộng thị trường và phát triển bền vững
Marcom là một công cụ đắc lực cho mọi doanh nghiệp nếu muốn mở rộng sang thị trường mới Một chiến lược truyền thông tốt sẽ giúp thương hiệu nhanh chóng thích nghi với thị trường địa phương, tạo dựng được chỗ đứng vững chắc.
Ví dụ: Khi Starbucks gia nhập thị trường Việt Nam, họ không chỉ mở cửa hàng mà còn sử dụng các chiến dịch PR, mạng xã hội để giới thiệu văn hóa cà phê đặc trưng của mình, từ đó từng bước “chiếm lĩnh” thị trường.
Xu hướng Marcom 2025
Năm 2025, các xu hướng Marcom sẽ tiếp tục thay đổi theo sự phát triển của công nghệ và hành vi người tiêu dùng. Dưới đây là những xu hướng nổi bật mà doanh nghiệp không thể bỏ qua.
Quảng cáo (Advertising)
- Trí tuệ nhân tạo (AI): AI hiện đang vô cùng phát triển trong những năm gần đây và được dự đoán sẽ tiếp tục trở thành xu hướng marcom trong năm 2025. AI sẽ được ứng dụng mạnh mẽ để tối ưu hóa chiến dịch quảng cáo, giúp doanh nghiệp nhắm đúng đối tượng và tăng tỷ lệ chuyển đổi.
- Quảng cáo cá nhân hóa: Cá nhân hóa quảng cáo giúp doanh nghiệp tìm được “điểm chạm” với khách hàng, từ đó xây dựng niềm tin khách hàng, kích thích mua hàng và gia tăng doanh số một cách hiệu quả.
Ví dụ: Spotify đã sử dụng dữ liệu nghe nhạc của từng người để tạo ra các chiến dịch quảng cáo như “Spotify Wrapped”, giúp cá nhân hóa trải nghiệm người dùng và khuyến khích chia sẻ trên mạng xã hội vô cùng hiệu quả.
Mạng xã hội (Social Media Marketing)
- Video ngắn: Với sự bùng nổ của TikTok, Instagram Reels và YouTube Shorts, nội dung video ngắn sẽ tiếp tục là xu hướng chủ đạo trong Marcom 2025. Các thương hiệu cần tập trung vào việc sản xuất video ngắn, dễ tiêu thụ, có nội dung sáng tạo và dễ lan truyền.
- Mua sắm trực tiếp trên mạng xã hội: Tích hợp tính năng thanh toán ngay trên nền tảng như TikTok Shop, Facebook Marketplace.
Email Marketing
Email marketing vẫn sẽ tiếp tục là xu hướng Marcom trong năm 2025, nhưng cách tiếp cận sẽ có sự thay đổi để phù hợp với thói quen mới của người dùng.
- Cá nhân hóa nội dung email: Thay vì gửi email hàng loạt, doanh nghiệp cần cá nhân hóa nội dung theo từng nhóm khách hàng.
- Tự động hóa email: Sử dụng phần mềm CRM để gửi email tự động, phản hồi nhanh chóng theo hành vi khách hàng.
Newsletter
Các doanh nghiệp đang chuyển hướng từ việc sử dụng newsletter chỉ để quảng cáo sang cung cấp nội dung hữu ích, nhằm xây dựng lòng tin với khách hàng.
- Tập trung vào nội dung chuyên sâu: Thay vì chỉ giới thiệu sản phẩm, newsletter giờ đây sẽ tập trung vào nội dung chuyên sâu, mang lại giá trị cho người đọc.
Ví dụ: các thương hiệu như Morning Brew hay The Hustle đã xây dựng cộng đồng lớn chỉ nhờ vào việc gửi newsletter với nội dung hấp dẫn mỗi ngày. - Newsletter cá nhân hóa theo sở thích người đọc: Thay vì gửi chung một email cho tất cả khách hàng, doanh nghiệp sẽ sử dụng dữ liệu để phân loại nhóm khách hàng và gửi newsletter theo chủ đề mà họ quan tâm
Tổ chức sự kiện (Event Marketing)
- Kết hợp giữa sự kiện trực tiếp và online (Hybrid Event): Sau đại dịch, hybrid event (sự kiện kết hợp trực tiếp và trực tuyến) đã trở thành xu hướng và vẫn sẽ tiếp tục được duy trì và phát triển trong năm 2025. Doanh nghiệp có thể tổ chức các sự kiện trực tiếp nhưng vẫn phát sóng trực tuyến để tiếp cận lượng khán giả rộng hơn.
Ví dụ: Apple luôn tổ chức các sự kiện ra mắt sản phẩm theo mô hình hybrid, giúp hàng triệu người trên thế giới có thể theo dõi trực tuyến mà không cần đến tận nơi. - Sử dụng công nghệ AR/VR để tăng trải nghiệm: Công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) sẽ được ứng dụng nhiều hơn trong chiến dịch Marcom 2025 tại các sự kiện để có thể mang lại trải nghiệm độc đáo cho người tham dự. Ví dụ: IKEA đã sử dụng AR trong sự kiện ra mắt sản phẩm, cho phép khách hàng trải nghiệm cách đồ nội thất sẽ trông như thế nào trong không gian nhà của họ ngay trên điện thoại.
Bán hàng trực tiếp (Personal Selling)
- Bán hàng qua livestream: Đây sẽ tiếp tục là xu hướng marcom 2025 được phát triển mạnh mẽ trong năm 2025 trên các nền tảng như TikTok, Shopee Live.
- Ứng dụng chatbot AI: Chatbot sẽ hỗ trợ tư vấn khách hàng 24/7, giúp tối ưu hóa quy trình bán hàng.
Chương trình khuyến mãi (Sales Promotion)
- Flash sale ngắn hạn: Các chương trình khuyến mãi giới hạn thời gian để kích thích nhu cầu mua sắm.
- Ưu đãi độc quyền qua ứng dụng di động: Tích hợp các chương trình giảm giá, cashback trên app để giữ chân khách hàng.
Marketing truyền miệng: Tận dụng UGC (User-Generated Content)
UGC (nội dung do người dùng tạo ra) được dự đoán sẽ trở thành một phần quan trọng của các chiến dịch Marcom trong năm 2025. Thay vì quảng cáo truyền thống, khách hàng có xu hướng tin tưởng các nội dung được tạo bởi người dùng thật hơn.
Ví dụ: Airbnb không sử dụng quảng cáo truyền thống mà khuyến khích khách hàng chia sẻ trải nghiệm của họ qua hình ảnh, video trên mạng xã hội, giúp thương hiệu phát triển mạnh mà không tốn quá nhiều chi phí marketing.
Phân biệt Marcom và Marketing
Mặc dù Marcom (Marketing Communication) và Marketing đều thuộc lĩnh vực tiếp thị, nhưng chúng có những vai trò, phạm vi hoạt động và mục tiêu khác nhau. Hiểu rõ sự khác biệt này sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng chiến lược tiếp thị hiệu quả hơn, tối ưu hóa ngân sách và đạt được mục tiêu kinh doanh.
Có thể hiểu đơn giản: Marketing là một chiến lược tổng thể, còn Marcom là công cụ giúp thực hiện chiến lược đó thông qua truyền thông và quảng bá.
Tiêu chí | Marketing | Marcom |
Phạm vi | Bao gồm tất cả các hoạt động tiếp thị: nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm, chiến lược giá, phân phối, truyền thông, bán hàng,… | Tập trung vào các hoạt động truyền thông tiếp thị như quảng cáo, PR, social media, email marketing, tổ chức sự kiện,… |
Mục tiêu | Thúc đẩy nhu cầu mua hàng và tối ưu hoá doanh thu | Xây dựng nhận diện thương hiệu, tạo ra sự kết nối giữa khách hàng với doanh nghiệp |
Công cụ sử dụng | 4P (Product – Price – Place – Promotion) hoặc 7P (thêm People – Process – Physical Evidence) | Các kênh truyền thông như quảng cáo, PR, email marketing, mạng xã hội, content marketing,… |
Thời gian thực hiện | Dài hạn | Ngắn hạn |
Ví dụ | Apple nghiên cứu nhu cầu thị trường, phát triển iPhone, định giá và phân phối sản phẩm qua hệ thống cửa hàng | Apple chạy chiến dịch quảng cáo “Shot on iPhone”, tổ chức sự kiện ra mắt sản phẩm và PR về công nghệ camera mới |
Giải pháp Marcom giúp doanh nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ
Marcom (Marketing Communications) không chỉ là một phần của chiến lược Marketing tổng thể mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc giúp doanh nghiệp đạt được các mục tiêu kinh doanh cụ thể. Dưới đây là các bước xây dựng chiến dịch Marcom có thể giúp doanh nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ
Bước 1: Xác định mục tiêu kinh doanh và truyền thông
Trước khi làm bất cứ điều gì thì việc xác định mục tiêu cũng luôn là ưu tiên hàng đầu, đây là kim chỉ nam giúp doanh nghiệp có thể đi đúng hướng. Để xây dựng và phát triển một chiến dịch Marcom, doanh nghiệp cũng cần xác định các mục tiêu cụ thể của mình, từ đó có thể lựa chọn kênh truyền thông phù hợp. Ví dụ:
- Tăng nhận diện thương hiệu: Doanh nghiệp có thể tập trung vào PR, social media, chiến dịch viral,…
- Tăng trưởng doanh số: Ưu tiên chạy quảng cáo chuyển đổi, email marketing, affiliate marketing,…
- Mở rộng thị trường: Sử dụng influencer marketing, kết hợp các sự kiện online và offline.
- Xây dựng lòng trung thành của khách hàng: Tạo chương trình khách hàng thân thiết, cá nhân hóa nội dung tiếp thị.
Bước 2: Chọn chiến lược Marcom phù hợp
Không phải doanh nghiệp nào cũng đủ điều kiện để có thể triển khai tất cả các công cụ truyền thông một lúc. Một chiến lược hiệu quả cần tập trung vào kênh có tác động lớn nhất đến khách hàng mục tiêu. Tuỳ vào quy mô và mục tiêu marketing mà doanh nghiệp có thể lựa chọn chiến lược phù hợp cho mình. Dưới đây là một số gợi ý tham khảo:
- Doanh nghiệp vừa và nhỏ: Ưu tiên sử dụng digital marketing, SEO và content marketing để tối hoá ưu chi phí.
- Doanh nghiệp lớn, muốn duy trì thương hiệu lâu dài: Kết hợp truyền thông đa kênh từ PR, quảng cáo truyền thống đến social media,…
- Thương hiệu mới, muốn tăng cường nhận diện: Ưu tiên sử dụng influencer marketing, paid media,…
Bước 3: Xây dựng thông điệp truyền thông nhất quán
Sau khi đã xác định được mục tiêu và chiến lược Marcom của mình, doanh nghiệp cần xây dựng thông điệp truyền thông nhất quán. Mỗi kênh truyền thông sẽ có tệp khách hàng khác, vì vậy doanh nghiệp cũng cần đảm bảo tính linh hoạt trong các thông điệp truyền thông của bạn. Ví dụ:
- Trên mạng xã hội (TikTok, Facebook, Instagram,..): Ngôn ngữ gần gũi, sáng tạo, bắt “trend” để tạo độ viral tự nhiên,…
- Trên website và blog: Nội dung chuyên sâu, giúp khách hàng hiểu rõ hơn về sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp.
- Trên quảng cáo digital: Tập trung vào yếu tố kích thích ra quyết định chuyển đổi như: ưu đãi, khuyến mãi,…
Bước 4: Đo lường hiệu quả và tối ưu hoá
Để đảm bảo chiến lược Marcom mang lại kết quả tốt nhất, việc đo lường và tối ưu hoá là không thể thiếu. Doanh nghiệp có thể tham khảo sử dụng công cụ như: Google Analytics, Facebook Ads Manager, CRM để phân tích hành vi khách hàng,… từ đó điều chỉnh chiến lược sao cho phù hợp, đảm bảo đạt được mục tiêu như đã đặt ra ban đầu.
Lời kết
Marcom là một phần quan trọng trong chiến lược tiếp thị tổng thể của doanh nghiệp. Hy vọng qua bài viết vừa rồi bạn đã hiểu được những kiến thức về Marcom và xu hướng Marcom 2025. Việc áp dụng các xu hướng Marcom mới nhất giúp doanh nghiệp nâng cao nhận diện thương hiệu, tiếp cận khách hàng và tăng trưởng doanh thu một cách hiệu quả. Chúc bạn thành công